Một số hình ảnh tại buổi giao lưu cùng GS. Phan Văn Trường:
Nội dung bài viết
-------------------------------------------
GS Phan Văn Trường, “cha đẻ” cuốn sách “Một đời thương thuyết”, người từng qua 80 quốc gia, đàm phán các hợp đồng lên tới 60 tỷ USD cho rằng: “Tự học chiếm 90% sự học. Đó cũng là điều khó nhất vì nó kéo dài suốt cả cuộc đời”.
Chính vì vậy, dù đã ở tuổi 75, nhưng ông vẫn giữ thói quen dậy từ 4 giờ sáng để tự học. Kỹ năng này đã đem đến cho ông một sự nghiệp thành danh khi trở thành lãnh đạo quản trị cấp cao của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới dù tốt nghiệp ngành kỹ sư cầu đường.
Ông cũng từng thẳng thắn: “Tất cả những gì tôi học được đều là học từ sau khi tôi tốt nghiệp”.
Tự học ngoại ngữ từ những… áp lực
Chia sẻ về cuộc đời mình, GS Phan Văn Trường kể lại, ông từng sang Pháp, học trường nội trú từ năm 17 tuổi. 4 năm sau, ông thi đỗ Trường Quốc gia Cầu đường của Pháp. Mặc dù vậy, vốn liếng tiếng Pháp của ông cũng chỉ ứng dụng được ở phần viết, còn giao tiếp rất kém, gần như không nói được.
“Tôi nhớ mãi cảm giác lạc lõng khi trong những giờ ra chơi, các bạn thường xúm lại kể chuyện tiếu lâm cho nhau nghe rất vui vẻ. Trong nhóm ấy có cả hai anh em ruột là người Việt sinh ra tại Pháp, nhưng cứ thấy mình “chui” vào trong nhóm đó để được cùng nói chuyện thì tụi bạn lại tan hết. Với chúng, tiếng Pháp tôi nói là thứ tiếng ở đâu đấy”.
Cũng chính điều đó đã thôi thúc ông phải tự học tiếng Pháp. GS Phan Văn Trường đã đi tìm mua một cuốn truyện tiếu lâm của Pháp. Cứ vào ngày cuối tuần, ông lại ở nhà tự học thuộc lòng những câu chuyện tiếu lâm đó trước gương. Thậm chí, ông còn tập uốn lưỡi như người Pháp để làm sao mình có thể nói được tiếng Pháp như người Pháp.
Đến khi ông bắt đầu kể những câu chuyện tiếu lâm, thấy tụi bạn xúm xung quanh “cười vỡ bụng”, lúc đó, ông biết mình đã thành công.
“Tôi đã tự học tiếng Pháp như thế”.
“Tôi thấy rõ ràng cùng là người Việt, nhưng chính những đồng hương của mình tại Pháp cũng cảm thấy không có sự thú vị khi nói chuyện với mình. Do đó, tôi học tiếng Pháp từ cái động lực, đó là bị chạm vào lòng tự ái”, GS Phan Văn Trường nhớ lại.
Là người Việt học tại Pháp, nhưng khi đi làm, ngôn ngữ được GS Phan Văn Trường sử dụng nhiều nhất lại là tiếng Anh.
Ông nói, giờ đây, mình có thể sử dụng hai thứ tiếng khác trôi chảy như tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh và tiếng Pháp. Nhưng việc học được tiếng Anh cũng là do xuất phát từ những áp lực.
“Khi đi thương thuyết bằng tiếng Anh với người Anh, mình thấy họ đứng “tay trên” mình, không phải vì họ giỏi hơn, mà vì họ đang thương thuyết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ”.
Do vậy, ông quyết định không thể để họ đứng thế “tay trên” bằng cách tự tạo ra áp lực học tiếng Anh.
Điều đó đã góp phần giúp ông thương thuyết thành công các hợp đồng có tổng giá trị lên tới hơn 60 tỷ USD trong 40 năm sự nghiệp.
Hay ngay cả trong những ngày đầu trở về quê hương, ông cũng từng rất chật vật để học lại… tiếng Việt.
“Khi ấy, tôi đi thỉnh giảng tại một trường đại học ở TP.HCM, nhiều sinh viên than phiền rằng họ chỉ hiểu được 70% những điều tôi nói dù rất hứng thú với kiến thức được học. Tôi đã phải xin lỗi họ và quyết tâm khắc phục điểm yếu bằng cách nỗ lực học lại tiếng Việt mọi lúc mọi nơi. Tôi cố gắng vừa viết, vừa đọc, vừa tra từ điển và học từ chính sinh viên của mình”.
Do đó, GS Phan Văn Trường cho rằng, có hai cách để tự học ngôn ngữ, là tạo nên động lực bằng áp lực hoặc tình yêu.
“Động lực bằng tình yêu cũng rất dễ. Giờ đây, có rất nhiều bài hát chứa phụ đề với ý nghĩa đơn giản. Chúng ta có thể học thông qua các bài hát. Ngoài việc học chữ, mình còn học cả văn hóa của họ. Khi học như thế, mình nhập tâm nhanh lắm! Và khi đã nhập tâm, mình dùng được ngôn ngữ của người ta vì mình hiểu được luôn cả văn hóa nước họ”.
Mặt khác, GS Phan Văn Trường cũng cho rằng, học ngôn ngữ không thể học bằng khối óc, trí tuệ mà phải học bằng sự cảm nhận.
Ông lấy ví dụ, nước Pháp từng đầu tư rất nhiều cho việc dạy và học tiếng Anh, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.
“Người Pháp cũng không giỏi hơn người Việt Nam khi học tiếng Anh, bởi họ cũng học y hệt như cách của người Việt Nam, là lối học hàn lâm, tưởng rằng học ngoại ngữ là phải học bằng trí óc”.
Ông nhớ lại, năm 1988, công ty Pháp mà ông làm việc được sáp nhập với một công ty của Anh. Ban giám đốc quyết định giữ tên công ty là tên Pháp, nhưng trong công ty, ngôn ngữ duy nhất và chính thức được sử dụng lại là tiếng Anh.
“Việc người Pháp phải dùng tiếng Anh, lúc đầu đã dẫn đến những câu chuyện kinh khủng”, ông nói.
Trong vòng 1 năm, gần 90% nhân sự người Pháp phải dùng tiếng Anh. Thậm chí, khi những mâu thuẫn, bất đồng xảy ra, họ vẫn phải… cãi nhau bằng tiếng Anh. Những lần căng thẳng, bao giờ người Pháp cũng thua. Theo ông, đôi khi họ thua không phải vì kém chuyên môn kỹ thuật mà vì không sử dụng và làm chủ được tiếng Anh.
Nhưng cuối cùng, cả công ty đã học được rất nhiều thứ từ người Anh, không chỉ về mặt ngôn ngữ mà còn học được cả văn hóa, sự đối đãi với nhau trong xã hội,…
Tự học chiếm 90% sự học
Từng đảm nhiệm các chức vụ cấp cao tại nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Chủ tịch Alstom Power châu Á, Chủ tịch Suez Đông Nam Á,…; được nước Pháp tặng Huân chương cao quý Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh, nhưng GS Phan Văn Trường thường nhìn nhận mình là “một kẻ may mắn”.
“Tôi được đào tạo là kỹ sư cầu đường của Pháp, nhưng cả cuộc đời tôi chưa bao giờ xây cầu, xây đường, thậm chí còn chưa bao giờ vẽ cầu hay vẽ đường. Khi tôi tốt nghiệp, việc đầu tiên tôi làm là đi dạy về kinh tế dù chưa bao giờ học về kinh tế hay lấy bằng về kinh tế”.
Thế nhưng, ông lại trở thành là một trong số những giáo sư giỏi nhất dạy về kinh tế trong trường đại học kinh tế.
Phần lớn thời gian tiếp theo trong sự nghiệp, ông tham gia kinh doanh, là lãnh đạo quản trị cấp cao của tập đoàn công nghiệp điện với 25.000 nhân viên; sau đó là đường sắt cao tốc, cấp nước đô thị, dầu khí tại Pháp.
Những lĩnh vực này, ông chưa bao giờ được học, được đào tạo nhưng đều thành công.
Do đó, ông cho rằng, cuộc đời không nằm ở bằng cấp, không nằm ở trình độ học mà nằm ở việc mình luôn luôn tự học.
“Tự học chiếm 90% sự học của mình. Tất cả những gì tôi học được đều là học từ sau khi mình tốt nghiệp. Đó là sự không ngừng tự bồi đắp những kỹ năng như học quan sát, học lý luận, học truyền thông – tức nói và lắng nghe, học suy diễn, phân tích, đánh giá, học tâm lý con người,… Những thứ đó mới làm mình thành công”, ông nói.
Ngoài ra, ông rất chú trọng việc học cách dùng bàn tay, bàn chân, đi vào các lab thay vì học chữ và kiến thức trong sách vở.
Nhưng ông cũng cho rằng, việc tự học là điều khó nhất vì nó kéo dài suốt cả cuộc đời. Vì thế, ở tuổi 75, GS Phan Văn Trường vẫn giữ thói quen dậy từ 4 giờ sáng để tự học. Đến 6 giờ sáng, ông đã có thể nắm bắt hết tất cả các sự kiện đã xảy ra trên thế giới trong đêm vừa qua.
“Nếu mình chỉ vịn vào bằng cấp mình có được mà không tự học, chỉ 5 năm sau khi tốt nghiệp, mình sẽ thụt lùi so với cuộc sống hiện tại và bị đào thải”, người từng được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục năm 2009 nói.
Theo báo Vietnamnet.vn
Leave A Comment